Hàng chục năm nay, Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS) đã đồng hành cùng người trồng mía ở Tây Ninh và một số địa phương thông qua nhiều chính sách hỗ trợ, giúp người trồng mía yên tâm canh tác và gắn bó với nhà máy.
Và nhiệm vụ trọng tâm của Công ty TTC AgriS là tiếp tục thúc đẩy phát triển mô hình kinh doanh kinh tế nông nghiệp thông minh, tích hợp tại các địa phương.
Nhiều chính sách hỗ trợ người trồng mía
Ngoài việc áp dụng các giải pháp cơ giới hóa đồng bộ từ trồng, chăm sóc đến thu hoạch, mang lại kết quả sản xuất tốt và hạ giá thành, giúp nâng cao hiệu quả cây mía cũng như lợi nhuận của người trồng mía thì thời gian gần đây, TTC AgriS còn quan tâm hỗ trợ vốn thông qua các khoản trả trước ngắn hạn, dài hạn cho nông dân trồng mía và các khoản hỗ trợ vốn đầu tư của TTC AgriS trong niên vụ 2021-2022 tăng gấp đôi so với mức đầu tư trung bình của các năm trước đó.
Khoản đầu tư này nhằm mục đích hỗ trợ nông dân về chi phí canh tác, đầu tư giống mía, phân bón, giải pháp bảo vệ thực vật về sâu, bệnh hại, máy móc thiết bị, cải tạo cơ sở hạ tầng để chuẩn bị cho niên vụ 2022 -2023, nhằm mở rộng diện tích canh tác mía và giảm thiểu ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt tới vùng nguyên liệu.
Để giúp nông dân yên tâm đầu tư, gắn bó với cây mía, tại hội nghị khách hàng ở tỉnh Tây Ninh mới đây, TTC AgriS đã thông báo chính sách bảo hiểm giá mía trong 3 vụ liên tiếp, trong đó, giá bảo hiểm vụ thu hoạch 2022-2023 lên đến 980.000 đồng/tấn mía sạch 10 CCS tại ruộng, tùy theo khu vực. Đây là mức giá tối thiểu mà công ty cam kết và tùy vào tình hình thị trường công ty có thể điều chỉnh thu mua mía với giá cao hơn, bảo đảm lợi nhuận cho người nông dân, với quan điểm xuyên suốt “Nông dân có lãi – Nhà máy có lời”.
Là khách hàng gắn bó với TTC AgriS, ông Nguyễn Văn Hùng (ấp Hiệp Bình, xã Hòa Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) chia sẻ, ông ký hợp đồng liên kết với Công ty Đường Biên Hòa từ thập niên 1990, diện tích mía hiện là 120ha và được TTC AgriS đầu tư nhiều khoản từ giống, nông cụ đến kỹ thuật canh tác, phân bón, bao tiêu sản phẩm.
Ông nói: "Nhân viên của tập đoàn đi rất sát cánh đồng mía, sát nông dân. Với giá mía năm nay, mỗi ha sau khi trừ chi phí vật tư như phân bón, xăng dầu, công đốn mía thì người trồng thu lời cao nhất khoảng 20 triệu đồng/năm. Chưa thể nói là tính cạnh tranh khá hơn so với trồng mì hay lúa, tuy nhiên, với đặc thù đất xấu ở khu vực biên giới và trồng diện tích lớn thì chỉ có cây mía là phù hợp".
Ngoài ra, ông Hùng còn được vay vốn mua sắm nông cụ với mức 80% giá trị từ nhà máy và từ ngân hàng trong hệ thống của TTC AgriS giúp ông và bà con yên tâm.
Qua trao đổi với một số khách hàng khác của TTC AgriS, chúng tôi được biết, nhờ công ty tích cực áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, bà con Tây Ninh chủ động được trồng và chăm sóc mía, từ làm đất, chăm sóc đến thu hoạch đều có máy móc. Ngoài ra, kể từ khi công ty có chính sách đầu tư hợp lý thu hút người trồng mía, thay vì trước đây chủ yếu chỉ trồng lúa nước hoặc bỏ hoang đất, người dân tận dụng được diện tích đất bỏ hoang đưa vào sản xuất.
Những thông tin về chính sách đầu tư, hỗ trợ người trồng mía; giá thu mua mía cũng như thu hoạch, vận chuyển mía về nhà máy hay tình hình canh tác mía, diễn biến thời tiết, sâu bệnh trên ruộng mía dễ dàng tìm kiếm trên App, thông qua điện thoại thông minh hoặc giải đáp qua tin nhắn điện thoại di động giúp bà con nông dân kịp thời nắm vững mọi vấn đề liên quan đến cây mía và thêm tin tưởng vào nhà máy.
Số hóa chuỗi giá trị cây mía
Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh ngành mía đường trong nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động của nền kinh tế vĩ mô, TTC AgriS kiên định với định hướng chiến lược phát triển bền vững cùng nông dân Việt Nam, đó là: Tiếp tục chuyển đổi mô hình kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi mô hình quản trị sang kinh tế nông nghiệp thông minh, tích hợp sản xuất - xuất nhập khẩu - thương mại dịch vụ nông nghiệp trên nền tảng số.
Qua đó, chủ động tìm hướng đi mới nhằm củng cố và phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất mía đường, đặc biệt trong điều kiện cạnh tranh cây trồng ngày càng gay gắt tại các địa phương.
Cụ thể, phát triển - ứng dụng các giải pháp công nghệ số vào quản lý sản xuất nông nghiệp thông qua nền tảng quản trị FRM (Farmer Relationship Management); ứng dụng quản trị nông nghiệp hiện hữu FRM, ứng dụng DigiFarm để nâng cấp công nghệ canh tác số trên “hệ thống số lõi” Oracle Cloud ERP với con người TTC AgriS làm chủ, thông qua ứng dụng công nghệ điện toán đám mây để thu thập và phân tích thông tin canh tác.
Các tính năng Soil map, Yield map, Blockchain in Agro, Vendor portal, ePayment được phát triển trên nền tảng DigiFarm và Agro apps sẽ bổ trợ cho chuỗi quản trị đồng bộ xuyên suốt của TTC AgriS thông qua việc toàn diện và tinh giản quy trình quản lý canh tác, đầu tư và nghiệm thu giữa nhà đầu tư - cán bộ nông vụ - doanh nông. Đây cũng là phương tiện gắn kết chặt chẽ - kịp thời - liên tục giữa nhà máy với cộng đồng người trồng mía của TTC AgriS.
Với các ứng dụng nhằm số hóa chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững cùng người nông dân trên từng chặng đường phát triển, tạo sự kết nối chặt chẽ với khách hàng, đối tác và thực thi chiến lược chủ động xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, TTC AgriS cũng là doanh nghiệp nông nghiệp tiên phong dẫn đầu công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam; hướng đến mục tiêu xây dựng một thế hệ “doanh nông” tự tin, bản lĩnh và chuyên nghiệp cả về kỹ thuật canh tác lẫn kỹ năng quản trị.
TTC AgriS tiếp tục có chính sách khuyến khích người dân áp dụng cơ giới hóa, cải thiện giống mía và quy trình canh tác, giúp nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản xuất mía… nhằm gia tăng từ chuỗi giá trị cây mía.
Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng